Hiện Tượng Sư Thích Minh Tuệ

    187
    0
    SHARE

    HIỆN TƯỢNG SƯ THÍCH MINH TUỆ: LỐI TU KHỔ HẠNH CỔ XƯA, NHƯNG LẠ VỚI THỜI HIỆN ĐẠI. ĐẶC BIỆT CHỈ CÓ Ở VIỆT NAM.  

                                              DUY VĂN  

    Trong thời gian qua trên hệ  thống Youtube,Facebook, TikTok…trong nước đã rầm rộ đưa tin một người công dân nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã đi bộ hành khất thực xuyên suốt từ Nam ra Bắc và ngược lại. Với pháp danh sư Minh Tuệ. (theo thông tin mạng)   

    Việc bộ hành khất thực của sư Minh Tuệ đã thực hiện nhiều lần trong vòng 6 năm qua chứ không phải trong những tháng năm gần đây, nhưng nay được biết đến rộng khắp trong ngoài nước nhờ vào hệ thống của những  Youtuber,Facebooker…  

    Theo tin từ các Youtuber và Facebooker  đăng tải, được biết sư Minh Tuệ có tên tục là Lê Anh Tú nguyên quán huyện Kỳ Anh Tỉnh Hà Tĩnh,năm 1994 cùng cha mẹ vào huyện La Grai tỉnh Gia Lai lập nghiệp. Thân sinh của sư Minh Tuệ là ông Lê Xuân một sĩ quan bộ đội nghỉ hưu. Ông Xuân và vợ có bốn người con,3 trai và 1 gái. Trong đó Lê Anh Tú (tức sư Minh Tuệ) là người con thứ hai.  

    Ông Xuân cho biết, vợ của ông đẻ rơi Lê Anh Tú ở ngoài đường,do lúc ấy đi làm ruộng về nên về nhà không kịp. Từ nhỏ Lê Anh Tú đã có lòng từ bi với mọi người quí mến. Học xong phổ thông, Lê Anh Tú nối nghiệp của cha đi bộ đội 3 năm, sau khi mãn hạn nghĩa vụ về,theo học trường trung cấp Lâm Nghiệp Tây Nguyên (Gia Lai). Ra trường Lê Anh Tú làm đo đạc cho một công ty tư nhân ở Đắk Lắk. Trong thời gian làm việc đo đạc,gia đình hồi ấy cũng khá lo lắng vì không thấy Lê Anh Tú có bạn gái, tâm tư cũng không muốn lập gia đình. Mặc dù nhiều lần cha mẹ ông nhắc nhở Lê Anh Tú về việc cưới vợ sinh con. Có lần cha mẹ đã chia đất đại cho Lê Anh Tú giống như các anh chị em khác trong gia đình, nhưng Lê Anh Tú không nhận.  

    Trong thời gian làm việc đo đạc cho công ty tư nhân ở Đắk Lắk Lê Anh Tú đọc sách Phật nên đã ăn chay và tu tại gia.Cha Lê Anh Tú có lập một cái Am cho Lê Anh Tú tu định trong khu đất nhà gần sông suối thơ mộng, nhưng sự tu tập nơi đây không bao lâu, bởi hằng ngày Lê Anh Tú thấy người ta đến dòng suối và sông câu cá, bắt cá sát sanh nên Lê Anh Tú từ bỏ Am thiền. Lúc đi tu Lê Anh Tú để lại cho cha,một cái đồng hồ, điện thoại, tủ lạnh và 8 mét vải màu vàng.  

    I.HÀNH TRÌNH TU TẬP 

    Năm 2015 Lê Anh Tú xin phép cha mẹ cho phát nguyện đi tu. Ông Xuân nói: “Đi tu khó khăn lắm, nhưng đã quyết thì phải tu trọn vẹn, không được phá giới, phải chân cứng đá mềm, không tham lam sân si, nên suy nghĩ cho kỹ”. Sau một đêm suy nghĩ Lê Anh Tú quyết tâm đi tu và cha mẹ đã đồng ý ký giấy tờ cho Lê Anh Tú thực hiện ý định.   

    Năm 2015, Lê Anh Tú xuất gia đi tu tại một ngôi chùa với pháp danh là Thích Minh Tuệ. Sau đó, ông rời khỏi chùa và tập học tu hạnh đầu đà từ năm 2017 cho đến nay.  

    Theo thông tin trên mạng,được biết thoạt đầu ông tu tại Tu Viện Chơn Như số 4 đường Chùa Am,Ấp Gia Lâm, Xã Gia Lộc, Huyện Trảng Bàng, Tỉnh Tây Ninh với trưởng lão Thích Thông Lạc và Pháp danh của ông cũng có từ Tu Viện này đặt cho. Nhưng cũng có nguồn tin nói rằng ông tu ở một chùa khác trong địa phận Thành phố Hồ Chí Minh.  

    Tuy vậy, ông cho biết, ông không phải là tu sĩ Phật giáo, không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tu viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng cho biết ông không phải là tu sĩ của giáo hội này.  

    Sau khi rời Tu Viện hay chùa để tu theo pháp môn ông đã chọn, có thời gian ông ẩn mình hơn 1 năm trong núi Sạn ở Nha Trang (Khánh Hòa) để thiền định tu học. Mục đích tu tập của ông là để chữa lành bệnh tật không cần dùng thuốc. Và luyện tập thanh tịnh trong tâm hồn đưa đến sự giải thoát cho bản thân và cho chúng sanh.  

    Trên đỉnh này của núi Sạn có một khối đá lớn và các khối đá nhọn, có thể tổ chức cắm trại và ngắm nhìn thành phố Nha Trang bao quát hơn.  

    Như tên gọi, núi chỉ toàn là đá, cây rừng thấp lúp xúp,sạn trắng nhiều. Vào mùa trăng, không nơi nào tuyệt vời hơn để ngắm trăng bằng nơi đây. Hay lúc hoàng hôn ngắm thành phố Nha Trang lên đèn như thời khắc chuyển mình.  

    Các bạn trẻ chọn ở lại đêm, sinh hoạt dã ngoại, ngắm trăng, ăn uống và sáng sớm ngắm bình minh. Từ nơi đây có thể chụp được những khoảnh khắc mặt trời ló dạng đẹp nhất ở vùng cửa biển Nha Trang.  

    Núi Sạn cao khoảng 200m, cách trung tâm TP Nha Trang (Khánh Hòa) khoảng 3km về phía bắc, hiện là điểm thu hút các bạn trẻ thích phiêu lưu mạo hiểm, chụp hình và ngắm thành phố Nha Trang từ trên cao.  

    Theo dân làng làm rẫy, vườn chung quanh khu núi này cho biết trong thời kỳ chiến tranh núi Sạn là nơi đóng quân của một đơn vị lính thuộc sư đoàn Mãnh Hổ Đại Hàn. Sau khi chiến tranh chấm dứt, nơi đây còn nhiều mìn và trái đạn súng cối còn sót lại,và cũng đã làm cho một số dân chúng bị thương bởi đi tìm sắt phế liệu.  

    Người dân còn cho biết thêm, khoảng hơn chục năm nay nơi núi Sạn này có rất nhiều vị tu sĩ đến đây tu luyện bởi trong núi có rất nhiều hang động bằng phẳng có thể tránh cả nắng mưa.  

    Theo một nông dân làm vườn gần núi kể lại: “hơn 10 năm người này đã gặp sư Minh Tuệ tu trong một hang động trong núi hằng ngày bộ hành khất thực xin ăn, rồi lại vào trong núi. Có thời gian vùng núi Sạn và một vài vùng khác của Nha Trang gặp hạn có lẽ các khe nước suối đều bị khô cạn, nên vệ sinh cá nhân của các tu sĩ gặp trở ngại. Các sư thỉnh thoảng xuống vườn của ông xin nước tắm trong đó có sư Minh Tuệ.  

    Từ năm 2017 sư Minh Tuệ bắt đầu xuống núi và bộ hành ra miền Bắc theo pháp Hạnh Đầu Đà.  

    A.Hạnh Đầu Đà là gì?  

    Pháp Hạnh Đầu Đà là một trong những phương pháp tu khổ hạnh để tôi luyện thân tâm, trừ bỏ phiền não cấu trần. Đức Phật dạy rằng: “Pháp đầu đà thành tựu ba cõi: Người, trời và Niết Bàn như ý nguyện. Pháp đầu đà hằng nuôi dưỡng, bảo vệ chúng sinh, là ruộng phước cho chư Thiên và loài người. Nếu như chư Tăng thực hành hạnh đầu đà thì chính Pháp được trụ lâu dài ở thế gian và các quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán sẽ xuất hiện”.  

      Vậy những lợi ích tối thượng mà Pháp tu đầu đà khổ hạnh mang lại cho hành giả tu tập là gì?  

    B.Nguồn gốc của Pháp hạnh đầu đà trong đạo Phật.  

    Khi Thái Tử Tất Đạt Đa (sau này trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni) đi qua bốn cửa thành, thấy rõ bốn sự thật của cuộc đời: Sinh, già, bệnh, chết thì Ngài đã giác ngộ và phát tâm dũng mãnh dứt bỏ cung thành điện ngọc, vợ đẹp, con yêu, trút bỏ áo Hoàng bào của một vị Thái tử để mặc lên chiếc áo của một vị tu sĩ và bắt đầu cuộc hành trình đi tầm sư học đạo.  

    Năm năm tầm sư học đạo, sáu năm khổ hạnh rừng già, Ngài đã thực tập tất cả các phương pháp tu khổ hạnh theo quan điểm tu tập lúc bấy giờ: Hành thân hoại thể, phơi nắng, phơi sương, ngày ăn một hạt đỗ hoặc một hạt mè, có khi nhịn đói. Và khi ấy Ngài đã đạt tới khổ hạnh bậc nhất thời bấy giờ.  

    Bởi quan niệm lúc bấy giờ là phải thật khổ thì mới đắc đạo. Và Ngài đã tinh tấn tu hành khổ hạnh đến đỉnh điểm, không ai hơn được nhưng cuối cùng thân thể Ngài tiều tụy, thậm chí là suýt chết.  

    Lúc ấy, Ngài giác ngộ ra rằng, tu khổ hạnh cực đoan không đem lại lợi ích. Vì thế, Ngài đã từ bỏ lối tu khổ hạnh cực đoan và quay trở về tu tập theo con đường trung đạo, tức là nuôi dưỡng thân này có đủ sức khỏe để hành các Pháp. Cuối cùng, Ngài thành tựu đạo quả nhờ Pháp tu trung đạo này. Từ đó, Đức Phật đã hướng dẫn Tăng đoàn thực hành 13 hạnh đầu đà.  

    1. Mặc y phấn tảo: Đây là loại y được làm từ những miếng vải vụn, rách, không dùng đến được lấy từ nghĩa địa, bệnh viện, ở ngoài đường hay ở rừng.Sau đó được giặt sạch và vá lại thành y để mặc. 

    Vị hành giả tu tập không nhận sự cúng dường y áo của thí chủ mà đi nhặt những vải này. Cho nên không bị lệ thuộc vào thí chủ.  

    1. Chỉ mặc ba y: Vị tu sĩ tu hạnh đầu đà chỉ có ba y, bao gồm: thượng y, trung y và hạ y. Chư Tăng dùng y đó đến khi rách, thậm chí là không còn chỗ vá mới được may mới. 
    2. Phải khất thực để sống: Ở hạnh này, chư Tăng tu hành hạnh đầu đà mang bình bát đi khất thực để nuôi sống bản thân mình. Chư Tăng không đợi tín chủ mời đến nhà để cúng mà phải mang bình bát khất thực. 
    3. Khất thực theo thứ lớp: Đây là việc đi khất thực theo từng nhà, không vì chọn gia chủ giàu sang mà bỏ những gia đình nghèo khổ, không tới nơi có nhiều đồ ăn ngon mà phải khất thực tuần tự. Đó là một hạnh của người tu hành Pháp đầu đà. 
    4. Ngồi ăn một lần: Đó là khi ăn, nếu đã đứng dậy thì vị tu sĩ đó không ăn nữa, có người đến cúng thêm cũng sẽ không ăn. 
    5. Ăn bằng bình bát
    6. Không để dành đồ ăn: Vị hành giả khi thọ thực không để dành đồ ăn còn dư (hoặc đồ tín chủ cúng dường) cho ngày hôm sau. 
    7. Sống ở trong rừng
    8. Ở dưới gốc cây
    9. Ở ngoài trời
    10. Ở nghĩa địa
    11. Nghỉ ở đâu cũng được: Tu sĩ tu hành hạnh đầu đà không chọn chỗ nghỉ, mà tùy thuận nghỉ ở đống rơm, gốc cây. 
    12. Không nằm ngủ

    Người nào thực hành được 13 hạnh này thì Đức Phật khen ngợi, tán thán vì những lợi ích thù thắng mà Pháp hạnh đầu đà mang lại cho người chân thật thực hành. Con đường tu tập của những hành giả muốn thành tựu rốt ráo không thể không thực hành các Pháp khổ hạnh này. Và giữ gìn Pháp hạnh đầu đà chính là giữ gìn mạng mạch Phật Pháp trụ lâu dài ở thế gian, khiến chúng sinh được ân hưởng phước lành thù thắng trong nhiều đời nhiều kiếp.  

    C.Ích lợi của 13 pháp Hạnh Đầu Đà.  

    Đại Đức Na Tiên có nói về công năng diệu dụng của 13 Pháp đầu đà, một vị Tỳ Kheo mà thọ 13 Pháp đầu đà thì gần kề bên Niết bàn (tức là thoát khỏi đau khổ ràng buộc của luân hồi sinh tử). Hơn nữa là mang lại lợi ích cho chúng sinh không thể kể siết.  

    Chính vì thế mà Ngài nhấn mạnh 100 cư sĩ đạt đạo, 1000 cư sĩ đạt đạo cũng không thể bằng một vị Tỳ kheo hành 13 Pháp Đầu Đà mà đắc đạo.  

    Luyện 13 pháp Đầu Đà khổ hạnh chuẩn sẽ tạo ra được 28 đức tính cao thượng siêu việt đó là:  

    1. Nuôi mạng trong sạch: Người tu hạnh đầu đà là người nuôi mạng sống của mình trong sạch không phải phiền đến ai. 
    2. An lạc quả, hạnh phúc quả: Sẽ đạt được quả an lạc và hạnh phúc
    3. Sống đời vô tội: Người ấy sẽ không tạo tội lỗi gì cả
    4. Giảm nỗi khổ cho người khác
    5. Không sợ hãi
    6. Không tổn hại ai 
    7. Lộ trình tiến hóa đi lên
    8. Xa lìa điệu bộ hợm hĩnh khoe khoang, người ấy không bao giờ khoe khoang, không bao giờ kiêu mạn với ai cả
    9. Xa lìa sự say mê
    10. Hộ trì giữ gìn mình
    11. Mọi người thương tưởng
    12. Giáo hóa mình
    13. Buông dao, buông trượng không bao giờ phải đấu tranh ác hại ai. 
    14. Rèn luyện sự thu thúc
    15. Thực hành đúng đắn thuận lợi mục tiêu của mình
    16. Làm cho mình được vắng lặng
    17. Làm cho mình thoát khỏi phiền não
    18. Dứt trừ sự luyến ái
    19. Giảm trừ sự sân hận
    20. Tháo gỡ si mê
    21. Tiêu diệt ngã chấp, tiêu diệt ngã chấp ấy, cho nên chính nhờ tiêu diệt ngã chấp này mới dễ dàng đạt đạo. 
    22. Cắt đứt tư duy xấu xa, người thực hành Pháp Đầu Đà, tâm họ rất là lành thiện không có những tư duy xấu ác
    23. Vượt hoài nghi
    24. Trừ lười biếng
    25. Tương tư không có chỗ nương
    26. Hành được nhẫn lại, 13 Pháp Đầu Đà thì quá là nhẫn lại rồi, thực hành được 13 Pháp đấy là nhẫn lại lắm
    27. Đức tính độ lượng vô giới hạn, tâm mình rộng mở vô giới hạn
    28. Diệt tận khổ đau 

    D.Sinh ra nhiều thiện Pháp thù thắng  

    13 Pháp đầu đà này trước hết được ví như đất vì đất là nơi nương tựa của mọi loài, Pháp đầu đà là nơi nương tựa sinh trưởng của mọi thiện Pháp và thực hành Pháp đầu đà sinh ra rất nhiều thiện Pháp.  

    13 Pháp đầu đà cũng được ví như nước bởi nước rửa sạch mọi bụi bặm dơ dáy, Pháp đầu đà rửa sạch trần cấu, uế ác. Và còn được ví như lửa đốt cháy mọi vật bởi Pháp đầu đà thiêu đốt phiền não, thiêu hủy các phiền não.  

    Bên cạnh đó, Pháp đầu đà ví như gió thổi bay đi tất cả mọi khí mọi mùi, thổi đi tất tất cả khí vị trần gian dù thanh hay trược, dù thơm hay thối. Nó được ví như thuốc để chữa bệnh, Pháp đầu đà đối trị tất cả tâm bệnh của tất cả con người.  

    Nó ví như nước trường sinh, Pháp đầu đà cho mọi người thưởng nếm nước cam lồ bất tử. Ngoài ra, Pháp đầu đà còn làm thành tựu cho tư cách, là nơi thương yêu của mọi người, là nơi không có tội lỗi, là nơi viên mãn đức tính lành, là nơi của những trạng thái tâm cao thượng dứt trừ ưu sầu nóng nảy rối ren, chặn đường của sự tái sinh luân hồi, như nước tưới thấm mầm cây, như lửa để nấu nướng đồ ăn, như là hầm tài sản của mọi người, như được thân cận bạn lành, người dũng cảm. Pháp hành đầu đà như người hầu hạ mong được quan tước, nơi dạy học trò học nghệ, tài nghệ, như cái kính để soi mặt.  

    Vì thế mà Đức Vua – Phật Hoàng Trần Nhân Tông ngay khi xuất gia liền thọ 13 Pháp đầu đà. Một ông vua sống trên nhung lụa, đứng đầu muôn dân mà khi xuất gia lại thọ khổ hạnh đầu đà thì đó phải là Pháp đặc biệt, tối thắng.  

    Đặc biệt, những ai thọ Pháp đầu đà thì rất dễ kiểm tâm. Ví như chúng ta có mấy chục bộ quần áo, khốn khổ vì nó; nhưng người tu Pháp đầu đà thì chỉ có ba y cho nên các Ngài kiểm tâm rất dễ, không tham đắm nhiều và hễ khởi lên ham muốn thì dễ dàng nhận diện ra tâm bất thiện đó của mình.  

    E.Những ai có thể thực hành Pháp hạnh đầu đà?  

    Những người thực hành được Pháp hạnh đầu đà thì trước tiên người ấy phải có đức tin lớn.  

    Thứ hai phải có tâm tàm quý (tức là hổ thẹn).  

    Thứ ba là người phải mạnh khỏe, ít bệnh tật.  

    Thứ tư người phải thuần thục trong việc tìm kiếm chân lợi ích (tức là tìm kiếm chân lý).  

    Thứ năm là người có nhiệt tình và chín chắn.  

    Thứ sáu phải là người có trí tuệ.  

    Thứ bảy là ham thích học hỏi và có kiến thức.  

    Thứ tám là người thọ trì kiên định.  

    Thứ chín là ít tìm lỗi của người khác.  

    Thứ mười là người này luôn luôn an trú tâm mình trong tâm từ bi.  

    Bên cạnh đó, có những cư sĩ tại gia sống đời ngũ dục mà tu tập đắc đạo quả hay dễ dàng thực hành hạnh đầu đà, chính là do nhiều kiếp về trước họ tu hạnh đầu đà. Chính nhờ có tu hành đầu đà rồi nên trong tâm họ đã thành tựu ít nhiều những phẩm chất cao đẹp, họ không tham lam, ích kỷ, không đắm nhiễm vào ngũ dục nên kiếp này họ không cần phải thọ đầu đà nữa, chỉ nhờ nghe Pháp thực hành Pháp mà họ có thể đắc được đạo quả, họ chỉ tiếp tục làm lại công việc trước đây thành tựu các công đoạn đang còn dang dở mà thôi.  

    Bất kể những ai kiếp này mà họ thành tựu được một điều gì đó lớn lao thì phải biết rằng, không phải một kiếp này đâu mà họ đã tu dưỡng rèn luyện trong rất nhiều kiếp về trước.  

    F.Tôn giả Ma Ha Ca Diếp  

    Đứng đầu phái Hạnh Đầu Đà phải kể đến Tôn Giả Ma Ha Ca Diếp. Ma Ha Ca Diếp tên tục là Tất Bát La Da Na sinh ra và lớn lên trong dòng dõi Bà La Môn cao quý tại thành Vương Xá, nước Ma Kiệt Đà. Khi mẹ Ngài đang du ngoạn tại vườn thượng uyển, ngồi dưới gốc cây Tất Bát La thì bà liền hạ sinh Ngài. Lúc mới sinh, Ngài có hình dung đoan chính, khôi ngô, đẹp như tượng vàng, trên thế gian chưa có đứa trẻ nào có hình tướng giống Ngài.  

    Một điều kỳ lạ đó là khi bà vừa hạ sinh thì dưới gốc cây Tất Bát La xuất hiện một tấm y tuyệt đẹp để bọc lấy thân Ngài. Mẹ Ngài tin rằng người có phúc, có đức sẽ được chư Thiên cúng dường và đây chính là phước của Tất Bát La Đa Na. Do điềm lành này cùng nhân duyên hạ sinh dưới gốc cây Tất Bát La nên cha mẹ đặt tên cho Ngài là Tất Bát La Da Na.  

    Tất Bát La Da Na là một thanh niên tuấn tú, thông minh. Ngài thông thạo các môn thơ phú, toán số, hội họa, khắc ấn cho đến các biện luận thế gian, đoán trước thời vận trong mỗi ngày đêm có bao nhiêu điềm tốt xấu…  

    Bên cạnh đó, Ngài biết tất cả các loại tiếng: Tiếng đất chuyển động, tiếng sét, tiếng kêu của loài cầm thú; biết coi các tướng: Tướng nghề nghiệp, tướng nam nữ, tướng tốt xấu…; biết hết các tướng trạng, các sự chuyển động, biết cách giải trừ tai ương, pháp cúng tế thần lửa và chư thiên đại nhân.  

    Tất cả mọi sự trong thế gian không gì là không rõ, không nơi nào là không biết, Ngài có trí tuệ, tài lý luận đanh thép, nhạy bén, khôn ngoan. Và trên đời này, khó có thể tìm được người như vậy!  

    A.Tình duyên phạm hạnh của ngài Tất Bát La Da Na 

    Năm tháng trôi qua, Ngài đến tuổi lấy vợ, cha mẹ hết lời khuyên bảo để Ngài chấp thuận chuyện cưới xin. Nhưng với tâm ý chỉ muốn tu phạm hạnh, không ham thích cuộc sống vợ chồng nơi thế tục, hưởng thụ dục lạc nên Ngài nhiều lần từ chối. Vì cha mẹ không đồng ý nên Ngài buộc phải cho thợ khắc tượng một người phụ nữ hình sắc như tượng vàng Diêm Phù Đàn để làm khó cha mẹ.  

    Không ngờ rằng, được sự giúp đỡ của một Bà La Môn mà cha mẹ Ngài lại tìm được một cô gái với đúng hình tượng Ngài đề ra. Tên cô ấy là Bạt Đà La. Biết chuyện, Ngài liền thưa:  

    – Thưa cha mẹ, tâm con thật không thích ngũ dục, nguyện tu phạm hạnh, mà nay đấng song thân đã ép con lập gia đình. Do vậy, ngày nay con phải theo thứ lớp đi khất thực đến xứ ấy để xem người con gái kia có đúng sự thật như lời sứ giả nói hay không.  

    Và Ngài từ giã quê nhà và đi khất thực đến thành Ca La Tỳ Ca. Tình cờ nàng Bạt Đà La từ trong nhà mang thức ăn tự tay dâng cúng tới Ngài. Sau khi hỏi chuyện thì biết rằng Bạt Đà La cũng có chí nguyện tu phạm hạnh, không thích ngũ dục. Nhưng vì để làm yên lòng cha mẹ và giữ gìn chí nguyện thanh cao mà hai người chấp nhận kết hôn.  

    Tuy nên duyên vợ chồng, cùng chung sống trong căn phòng nhưng cả hai đều thúc liễm thân tâm, không xúc nhiễm với nhau. Đêm đến, nếu Ngài nằm ngủ thì nàng Bạt Đà La đứng dậy đi kinh hành và ngược lại nếu nàng Bạt Đà La nằm ngủ thì Ngài lại đứng dậy đi kinh hành. Cứ như vậy trải qua nhiều năm, hai người hoàn toàn không nằm ngủ chung với nhau.  

    B.Đệ nhất Đầu Đà.  

    Sau khi cha mẹ qua đời, chứng kiến cảnh khổ não chúng sinh: chúng sinh đi đứng qua lại chịu các khổ não không ngừng, những con bò cày chẳng từng tạm nghỉ,… Ngài và nàng Bạt Đà La quyết định xả tục xuất gia tu hành phạm hạnh. Ngài cũng hứa rằng sau khi tìm được bậc minh sư thì sẽ báo tin cho nàng Bạt Đà La biết.    

    Vào một buổi sáng, mặt trời vừa ló dạng, Đức Thế Tôn chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng chính lúc ấy, mặt trời vừa xuất hiện, Tất Bát La Da Na tìm lối xuất gia với tên gọi là Đại Ca Diếp.  

    Một hôm, Tôn giả Đại Ca Diếp đang ôm bình bát đi khất thực, với tướng mạo phi phàm, Ngài bị 2 người con gái tiến lại đưa đẩy, cố ý mê hoặc làm chặn đường của Ngài. Mọi người chỉnh trang phục thêm quyến rũ, bàn tán xì xào cách tán tỉnh Ngài.  

    Nhưng Ngài không màng tới bởi Ngài đang quyết đi tìm đạo sư, một lòng tu phạm hạnh, không còn mong cầu ngũ dục thế gian. Và khi nhìn thấy hình ảnh Đức Phật đang ngồi thiền, Ngài ngạc nhiên, mừng rỡ:  

    – Ta ngày hôm nay quyết định thấy được Giáo Sư. Ta, ngày hôm nay quyết định thấy Bậc Vô Thượng. Ta ngày hôm nay quyết định thấy Bậc Nhất Thiết Trí. Ta ngày hôm nay quyết định thấy được Thế Tôn Nhất Thiết Trí. Ta thấy được Thế Tôn. Ta thấy được Đấng Vô Ngại Tri Kiến. Ta thấy được Phật.  

    Sau đó, Ngài quỳ gối trước Đức Phật và thưa:  

    – Bạch Đức Thế Tôn, con là đệ tử Thanh văn của Ngài. Cúi xin Thế Tôn làm thầy con, con là đệ tử Thanh văn của Thế Tôn.  

    Sau khi trở thành đệ tử Phật, Ngài ngày đêm tinh tấn thực hành hạnh đầu đà và không lâu sau chứng đắc quả A La Hán, với danh đệ nhất đầu đà.  

    Thời điểm đó, Đức Phật đã cho phép người nữ xuất gia. Khi ấy, nhớ lại lời hứa thuở xưa với Bạt Đà La, Ngài đã nhập định, dùng thiên nhãn thì thấy rằng Bạt Đà La đang xuất gia tu học với ngoại đạo. Vì thế nên Ngài liền tìm phương tiện giáo hóa để nàng quay về quy y Đức Phật. Nhờ tinh tấn thực hành Pháp mà chẳng bao lâu, Bạt Đà La đắc quả A La Hán, trở thành tỳ kheo Ni có Túc mạng thông bậc nhất bên ni chúng.  

    Với lòng quy kính Đức Thế Tôn và mong nguyện hoằng truyền giáo Pháp, sau khi Đức Phật nhập diệt, Tôn giả Đại Ca Diếp đã mở đại hội kết tập kinh điển lần thứ nhất. Nhờ đó, lời dạy của Đức Phật được kết tập thành hệ thống  và được chính thức lưu truyền dưới các hình thức truyền tụng, ghi chép thành kinh văn trên lá, giấy… cho đến ngày nay.  

    Mong rằng qua những lời kể trên mà quý vị hiểu hơn về cuộc đời của đệ nhất đầu đà – Tôn giả Ma Ha Ca Diếp. Từ đó cảm niệm, tán dương ân đức của Đức Phật, ân đức tu hành và lưu truyền pháp hạnh đầu đà của Ngài Ca Diếp tới thế hệ sau.  

    II.SƯ MINH TUỆ THỰC HÀNH PHÁP HẠNH ĐẦU ĐÀ CỦA PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY.  

    Qua lời dạy của Phật Tổ Thích Ca Như Lai mà sư Minh Tuệ đã học hỏi được và đã có thực hành trong những năm tháng tự thiện định trong hang động ở núi Sạn Nha Trang (Khánh Hòa). Nhưng theo sư nói cần phải tu tập hơn nữa đúng với chánh pháp đầu đà Đức Phật đã chỉ dạy nên sư phải xuống núi ra đi bộ hành khất thực sống và sinh hoạt đúng theo 13 giáo pháp.  

    Sư Minh Tuệ đã thực sự thực hành pháp tuyệt đối, ăn một bửa trong ngày, sau khi ăn không ăn nữa, ngày hôm sau mới được ăn nữa, ngủ thì ngủ ngồi có thể trong hang động, trong rừng, trong nghĩa địa, hay trong nhà hoang, không có đệ tử, không có tăng phái nào cả. Chính sư tự tu tập lấy. Sư xưng con với mọi người. Sư không tuyên truyền hay nói về Phật Pháp, nếu ai có hỏi. Sư bảo rằng sư học theo hạnh pháp của Đức Thích Ca Mâu Ni và đang thực hành. Quý vị có thể tìm thấy trên kinh điển. Có nhiều người hỏi phương pháp tu tập, Sư bảo giữ giới là đủ rồi. Theo sư có 5 giới là: Nhứt Bất Sát Sanh, Nhì Bất Du Đạo, Tam Bất Tà Dâm, Tứ Bất Tửu Nhục và Năm là Vọng Ngữ ( nói dối)  

    A.Lời tâm tình của sư Thích Minh Tuệ.  

    1. Giữa tháng 7/2015, con đi làm vô tình nghe được Phật pháp. Con phát nguyện ăn chay ngày một bữa tìm đọc kinh sách Phật và giữ giới trong 6 tháng. 
    2. Con thấy mục đích Phật dạy rất cao cả, nên con muốn đi tu và quyết định xuất gia. 
    3. Cha mẹ con lúc đầu không cho. Sau đó, thì cũng chấp thuận. Con được cha mẹ chia phần tài sản như các anh em trong nhà , nhưng con từ chối, con chỉ xin cha mẹ ký giấy cho con xuất gia thôi. 

     

    hiểu được gì nhiều. Con như người học lớp 1 rồi học lớp 2, từ từ học lên nữa, người ta cũng chỉ cho con, con mới hiểu nhiều hơn.  

    1. Con học tu ở chùa một thời gian, có pháp danh là Thích Minh Tuệ. Sau đó, con thấy không hợp, nên con rời bỏ chùa, lên núi ẩn cư một mình trong hốc đá, hàng ngày đi khất thực. 

    Dù Phật không có nói, nhưng con chọn ngủ ngồi 3 năm rồi, không có nằm. Con ngủ ngồi là con muốn bỏ cái ngủ đi. Khi nào mệt quá thì ngồi dựa vào gốc cây hay bờ tường cũng được.  

    1. Sau thời gian ở một chỗ con thấy mình không có cơ hội xúc chạm để thử thách tham-sân-si, nên con quyết định bộ hành từ Nam ra Bắc, rồi ngược lại. Con không dám nói trước cho đến lúc nào thì con dừng. 
    2. Con muốn giữ lại pháp danh cũ, nên con nói tên con là Thích Minh Tuệ, thay vì nói tục danh con (là Lê Anh Tú). 
    3. Trước khi đi tu, con cũng có việc làm như bao người, nhưng con không hạnh phúc, bởi con tư duy thấy rằng cho dù ai có việc làm, có công chức, cuộc sống ổn định nhưng rồi cũng bệnh, cũng già và chết như nhau. Con sẽ giống họ. 
    4. Con muốn học những điều Phật dạy cao siêu, vi diệu, tối ưu , thiền định, trí tuệ , thoát được khổ đau, và an lạc hạnh phúc. 
    5. Phật bày như thế nào, con làm theo thế ấy, để có an lạc hạnh phúc, chứ không phải tự mình mà biết. Con chưa vào định được. Con còn đang học. 
    6. Con đi tu là để cầu giải thoát. Khi đắc đạo chánh đẳng, chánh giác, con mới đền đáp được công ơn cha mẹ. 
    7. Ngày nào con cũng xin ăn không quá một bữa cơm mỗi ngày để nuôi thân tu hành. Con không tích chứa để dành, hoặc xin thêm. 
    8. Con tuyệt đối không nhận tiền, vàng và vật phẩm của ai, dưới bất cứ hình thức nào. 
    9. Y áo con mặc được may từ vải con nhặt ở nghĩa địa, hay thùng rác ven đường. 
    10. Con không sử dụng y áo có màu giống với các tu sĩ, và nói mình ở chùa nào, vì con không muốn mượn hình ảnh để xúc phạm đến sư thầy và các nhà chùa. Người ta có thể nói con lợi dụng để lừa đảo, hay làm điều sai trái, làm ảnh hưởng đến họ. 

      

    1. “Bình bát” để nhận thức ăn là do con sửa chế từ nồi cơm điện người ta cho con. Đó không phải là “y bát” của quý sư thầy. 
    2. Đời là vô thường, sống nay chết mai đâu ai biết, nên con phải sớm đi tu, lỡ mai chết mất thân này thì con đâu còn cơ hội. 
    3. Có người hỏi con ngủ ở nghĩa địa có thấy gì không? (ma). Con nói không thấy cũng không đúng. Có khi con thấy bóng đen nào đó đi qua, nhưng không ảnh hưởng gì đến con thì con nói thấy hay không thấy cũng vậy. 
    4. Giờ đây con coi mọi người đều là anh em, cha mẹ con. 
    5. Trong lòng con không còn ích kỷ, thù hận. Con coi tất cả mọi người trong thế gian đều bình đẳng. 
    6. Giờ nếu anh có chửi con, con vẫn coi anh là bạn. 
    7. Người ta có đánh con, con vẫn chúc mọi điều tốt đẹp đến với họ. 
    8. Con nguyện ước chúc cho mọi người được hạnh phúc. 
    9. Bình thường như con khi chưa phát tâm tu hành chánh đẳng , chánh giác thì không sao, nhưng khi phát tâm tu hành rồi thì đầy đủ các thứ đánh đập, chửi bới bệnh đau nó đến để thử thách lòng mình có vượt qua được không, có chiến thắng với 4 nổi khổ: sinh, già , bệnh, chết không. Ví dụ bệnh đau là cái đầu tiên vẫn đến để xem mình có sợ nó không. 
    10. Mọi người không nên học bói toán , vì có cái đúng, cái không đúng. Đức Phật không có dạy xem bói. Hơn nữa, nếu họ tài giỏi thì họ đã bói cho họ rồi. Thay vì học bói toán, mọi người nên học đạo đức, giới luật. Cố gắng giữ 5 giới: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống bia rượu sẽ được hạnh phúc. 
    11. Việc giữ giới là quan trọng đầu tiên trong Giới-Định-Tuệ. Không giữ giới thì không tu được thành Phật. 
    12. Ăn chay mà giữ giới thì cũng thành đạt trong việc tu Phật được. 
    13. Người ta cho con chay, mặn có đủ. Khi ăn, con chọn thức ăn chay. 
    14. Mọi người đừng lạy con mà hãy lạy Phật – Pháp – Tăng. 
    15. Con không kêu gọi hay lập ê kíp đi theo quay phim con. Nhưng con cũng không xua đuổi họ. 
    16. Nếu họ vì quay phim con mà được lợi ích, thì con cũng chúc họ hạnh phúc. 
    17. Đối với con, ở đâu cũng là chùa. Nên con không quan trọng lý do vì sao chùa này mở cửa, chùa kia đóng cửa. 
    18. Con đi bộ, không đi xe, là để rèn luyện sức khoẻ. 
    19. Con đi chân trần là để cảm nhận được những gì ở phía dưới chân, mình có dẫm đạp lên các côn trùng, sinh vật không? Hơn nữa giày, dép mau hư hơn chân con. 
    20. Ai không có thứ gì đáng giá trên người, mới là hạnh phúc, vì họ không phải lo giữ gì cả. 

     

    1. Con không có gì hết nên con không sợ bị ai đánh đập hay giết mình để lấy của. Con không sợ chết, bởi con đâu có thứ gì tiếc uống, cần phải sống để giữ nó. 
    2. Có người hỏi con ngủ trong chòi lá, rừng cây lạnh lẽo, rét buốt làm sao ngủ ngon bằng ở phòng kín, chăn ấm, nệm êm? Con nói vẫn ngon, vì theo lời Đức Phật dạy ngủ ở đâu cũng ngon, nếu không có khởi tâm dâm dục. 
    3. Đọc chú đại bi phải có mục đích nào đó. Nếu vì muốn mình an ổn, cần phải đọc chú đại bi, ví dụ xua đuổi con quỷ chẳng hạn, thì mình cư xử ác với nó rồi. Con không muốn giành lấy chỗ ở hay sự an ổn của ai, (ví dụ của con quỷ) nên con không học chú đại bi. 
    4. Ai nói xấu con hay chửi mắng con thì con không giận họ và chúc họ may mắn. Ai nói tốt con hay khen tặng con thì con bình tâm, không để mình bị dính mắc vào ngã mạn, và con cũng chúc họ được hạnh phúc. 

    40, Nói tốt, nói xấu hoặc khen, chê con thì rồi cũng vậy. Nhưng con phát hiện ra 2 tâm trạng : người cho con thức ăn thì con thấy họ rất vui và hạnh phúc, còn người chửi con thì con thấy họ đỏ mặt không tự nhiên.  

    1. Con không phải là sư, là thầy gì cả. Con là công dân VN giống như mọi người thôi . Con chỉ muốn học tu. Con không có mục đích tuyên truyền hay rao giảng gì cả. Tất cả lời Phật dạy đều có trên mạng. 
    2. Khi nào con thành tựu được chánh đẳng chánh giác con mới giảng pháp cho mọi người được. Bây giờ người nào muốn học thì cứ lên mạng nghe giảng của các sư thầy. Kinh sách nào của Phật cũng đều có cả. 
    3. Những người tu hành, già cả hay nghèo khổ mình nên bố thí cho họ cơm ăn, y áo vật thực hay cái gì đó. Những người sa ngã, ăn chơi, hư hỏng, mình bày cho họ đừng sát sanh, trộm cắp, sống lương thiện, giữ trọn 5 giới , đó là bố thí pháp. 
    4. Sáu năm qua con không là nhân sự ở chùa nào. Con không là Nam tông hay Bắc tông, cũng không phải là tu sĩ của GHPGVN, bởi con tự thấy đạo đức của con chưa đạt đến cảnh giới đó.(Ngộ Trí Tâm, cập nhật 19/5/2024-12/4 âl). 

    Qua trên chính sư Minh Tuệ đã xác minh không hề ở một hệ phái nào trong Phật Giáo Việt Nam hiện tại, có lẽ vì sư muốn không làm phiền với một tu sĩ nào của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Sư tự tu học. Chính còn sự tu học nên sư không thể có giảng pháp nào cho chúng sanh. Lại nữa, việc tu tập theo Hạnh Đầu Đà thì đâu có giảng thuyết như những pháp hạnh khác, Hạnh Đầu Đà chuyên về hành pháp hơn là giảng pháp. Nghĩa là không lý thuyết nhiều mà chỉ chú trọng vào việc thực hành.  

     

    Chân tu Thầy Thích Pháp Hòa đã nói: “Biết Pháp, Hiểu Pháp cũng chưa bằng Hành Pháp”.Sư Minh Tuệ đã dày công hành pháp để mong có sự chứng quả trong bản thân và sau này độ rỗi sanh chúng.  

    Hiện tại sư tu tập rất khổ hạnh để mong được sự diệt khổ từ bản thân mà đã diệt được khổ thì trở nên an lạc.  

    Thường tu hành theo chánh sẽ gặp nhiều khổ nạn, nếu kiên trì vượt qua được đến vô ngã thân tâm thì sẽ được gần kề Niết Bàn.  

    Trong tập truyện Tây Du Ký cho ta thấy một Đường Tam Tạng đi thỉnh kinh nơi Tây Phương đã gặp biết bao nhiêu kiếp nạn, như Thầy đã diệt được sự tham lam, sân hoán, và si cùng nên Thầy đã đạt quả.  

    Tôi là người ngoài đạo Phật, nhưng có ít nhiều nghiên cứu thấy rằng Đạo Phật là một mối Đạo giải thoát con người ra khỏi bến mê, nếu tu đúng theo chánh pháp dầu bất cứ pháp gì của Đức Phật Thích Ca đã dạy, không riêng gì pháp Hạnh Đầu Đà.  

    B.Pháp Hạnh Đầu Đà là giáo pháp của Phật chứ không riêng của ai.  

    Theo kinh điển để lại Hạnh Đầu Đà là một pháp hạnh rất khó tu học, tu sĩ nào mà chọn pháp này, là phải có sức khỏe và sự quyết tâm cao, bởi cách tu khô khan, giống như dạnh hành xác. Cách 2500 trước dường như chỉ có một Thầy Ma Ha Ca Diếp đã thành chứng quả theo lối tu này và ngay cả Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni cũng qua 6 năm hạnh khổ để rồi buông bỏ theo hạnh pháp Trung Đạo. Khi ngài Ca Diếp gặp Đức Thế Tôn, Đức Ngài cũng có lời khuyên ngài Ca Diếp không nên tu theo pháp hạnh này, nhưng ngài Ca Diếp vẫn chọn pháp hạnh Đầu Đà. Với ý chí sắt đá nên ngài đã vượt qua và đã đắc quả.  

    Năm nay 2024, tính theo Phật Lịch được 2648 năm từ ngày Phật Đản Sinh. Không biết ở trên thế giới có tu sĩ nào theo pháp Hạnh Đầu Đà để tu tập trở thành đấng Giác Ngộ không! Chứ tại đất nước Việt Nam có rất nhiều cá nhân hay tu sĩ tu theo Hạnh Đầu Đà. Không riêng sư Minh Tuệ mà trước sư Minh Tuệ cũng đã có nhiều tu sĩ tu tập theo pháp này. Ngay chính một số chùa cũng đã có dạy cho các tu sĩ tu học ở chùa cũng khổ tập vể hạnh pháp Đầu Đà này.  

    Về cá nhân thì gần đây phải kể đến sư Phước Đông. Sư Phước Đông xuất thân từ một Thầy thuốc đi bán thuốc nam khắp mọi tỉnh thành giác ngộ cảnh đời đi bộ hành khất thực tìm đường giải thoát. Sư quê ở Phan Rang. Năm 2000 sư Phước Đông gia nhập vào chùa và tu học theo lối đại thừa tụng kinh trì chú, sư không thấy họp với sư, đầu của sư cứ đau hoài, dần dà sư bỏ chùa ra đi tu tập theo phái Nam Tông cũng bình bát khất thực, làm ăn kiếm tiền… Sư tự hỏi trong lòng Phật giáo đâu phải như vậy. Ở chùa chiền khất thực có tiền tài sư thấy sai chơn lý. Có lần sư đi cốc (thiền định) 3 tháng và sư đã bị gục trong lúc thiền và tuệ cũng đã phát sinh từ đó, sư nghĩ đến tu tập mà có điện thoại hay tiền đều bị vướng bận và cảm thấy tâm của mình bất an. Có điện thoại thì sạc pin ở đâu, có tiền còn sợ nạn cướp trộm nữa. Sư cảm thấy nó vướng bận không thoát được pháp. Y phục còn mặc y màu vàng, chân còn đi dép, vậy còn vướng bận cho sự tu tập. Bắt đầu sư tìm hiểu về Thân Tình Đạo Kinh, trong đó có 13 Hạnh Đầu Đà sư bắt đầu thực hành pháp đạo Hạnh Đầu Đà. Sư bỏ áo cà sa màu vàng và lượm nhặt vải từ các nghĩa địa, đống rac và tự khâu vá thành áo nhiều màu gọi Phấn Tảo Y sư mặc mục đích để cách ly màu vàng để không còn nghĩ về phật tử cúng dường y. Sư mặc y chính sư may vá để tránh bớt đàn na tinh khí của bá gia bá tánh cúng dường. Còn cái ăn thì sư ăn ngày một bửa, người ta cho gì ăn nấy,thay gì ăn ngày hai ba bửa cũng vậy. Sư đã thực hành Pháp Hạnh Đầu Đà cho đến ngày nay là khoảng 24 năm.  

    Với Pháp Hạnh Đầu Đà,có thể nói Sư Phước Đông là người Việt Nam thực hiện và áp dụng lối tu khổ hạnh này đầu tiên trong thời kỳ cận đại. Sư đã bộ hành từ Nam ra Bắc và đã ròng rả như thế trong hơn 20 năm.  

    Với quan niệm của sư đi tu là để giải thoát cho bản thân ở kiếp hiện tại chứ không phải cho kiếp sau. Nói về chữ tu sư nói ở trạng thái nào cũng tu được, cây cối thú vật đều tu được nhưng đều lâu hơn con người. Việc tu tập của sư Phước Đông đã tạo nên nguồn cảm ứng Phật Pháp cho mọi người nên đã có nhiều bậc trí giả hưởng ứng tu tập. Sư Ngô Chánh là một Thạc sĩ,giảng sư đại học Hutech thành phố HCM đã đang tu tập theo Hạnh Đầu Đà của sư Phước Đông hiện giờ.  

    Sư Phước Đông hiện đang tu tập cũng không thuộc hệ phái nào, nên cũng không có đệ tử, sư nói,nếu ai có xưng là đệ tử của sư là quyền của họ.Sư không có đệ tử.  

      

    C.Cơn bão mạng “truyền thông tự phát” về sư Minh Tuệ 

    Gần đây có một sư cũng tu học theo Hạnh Đầu Đà đó là sư Minh Tuệ. Không biết sư Minh Tuệ và sư Phước Đông có cùng môn phái không? Theo tìm hiểu biết được là không cùng môn phái, nhưng cách tu tập cũng giống như nhau, cũng bộ hành khất thực từ Bắc chí Nam, ngủ ngồi, ăn một bửa, nghỉ trong nơi thanh vắng, nghĩa địa, gốc cây v.v. Hai sư đều không cần tiền bạc của cải, ăn mặc giống nhau về y phục.  

    Được biết đã gần một phần tư thế kỷ, sư Phước Đông vẫn miệt mài tu tập cũng theo Pháp Hạnh Đầu Đà, nhưng không hề thấy có cơn lốc mạng nào đến với sư mặc dù rất có nhiều người ngưỡng mộ cách tu học của sư và họ đang thực hành phương pháp tu của sư. Tại sao vậy, sư không là bậc chân tu chăng? Không, sư chính là bậc chân tu.Xin mượn sự ái mộ và nhận định của hằng tram ngàn phật tử nói về sư Phước Đông như sau: “sư là một bậc chân tu hiếm thấy trên đất nước Việt Nam thời đại bây giờ.” Nhưng sao Sư không bị cuốn hút trong cơn bão mạng như sư Minh Tuệ?  

    Một số người theo dõi thời sự Phật Pháp cho rằng sư Phước Đông xuất hiện cách đây 24 năm, vào thời điểm diễn đàn mạng youtube hay tiktok chưa có phát triển và youtuber hoặc Tiktoker …chưa có nhiều để đưa tin.  

    Ngược lại,hình ảnh sư Minh Tuệ chân đất, trên người khoác một bộ y làm từ các mảnh vải vụn chắp vá, tay cắp lõi một chiếc nồi cơm điện, lang thang trên các nẻo đường để “tu học” đúng vào thời điểm diễn đàn mạng đang phát triển mạnh người ta theo dõi trên các trang mạng hình ảnh kham khổ của sư, khiến nhiều người xúc động, gọi sư là “bậc chân tu”. Và hình ảnh này đã được ghi lại qua bằng hằng chục Youtuber, TikToker … làm cho mọi người càng cảm động sâu sắc hơn nữa về một vị tu hành chân chính.  

    Lại nữa, hình ảnh sư Minh Tuệ xuất hiện đúng lúc vào mùa Phật Đãn, ngày sinh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Đó có phải chăng về một sự ngẫu nhiên có tính toán của của các vị chuyên làm youtube hoặc Tiktok? Nếu suy nghĩ theo tâm linh, âu cũng phải là cái duyên của Sư Minh Tuệ đến với sanh chúng trong thời “ Mạt pháp” này, theo quan niệm của một số phật tử để làm cái gương soi rọi nẻo trắng đen trong giới tu hành theo Phật Pháp trong thời đại vật chất kim tiền này.  

    Nhận định về sư Thích Minh Tụê, sư Thích Đồng Long thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất nói rằng: “đây là một trường hợp hiếm có”.  

    “Trong lịch sử, kể từ thời đức Phật hơn hai ngàn năm trăm năm trước đến nay, tôi nghĩ cũng có nhiều vị đã từng thực hành những hạnh như thế.  

    “Nhưng trong thời kỳ 4.0 này thì trường hợp của thầy Minh Tuệ là rất hiếm.” Trong nhiều video trên mạng xã hội, có thể thấy hàng trăm người dân đã đổ ra đường để được tận mắt chứng kiến “hiện tượng” sư Minh Tuệ.Trong một video được quay tại TP Thanh Hóa mới đây, nhiều người dân đã tổ chức quét đường để chờ sư đi qua.  

    Một video khác quay cảnh hàng chục Youtuber, TikToker quây quanh sư Tuệ để quay phim, chụp ảnh nhất cử nhất động của ông.  

    Rất nhanh chóng, tiểu sử của sư Minh Tuệ cùng con đường tu học của ông tràn ngập trên mạng xã hội.Theo các mô tả được phổ biến đến nay, sư Minh Tuệ từng là lớp trưởng thời phổ thông. Ông bắt đầu con đường tu hành từ năm 2015. Thoạt tiên ông tu tại gia, sau đó xuất gia. Đến năm 2018, ông rời chùa, khởi sự tu 13 hạnh đầu đà và bộ hành khất thực từ Nam chí Bắc.  

    Trong các video trên mạng xã hội, sư Minh Tuệ luôn xuất hiện với nụ cười hiền lành và dáng vẻ, cách nói chuyện khiêm nhường.Ông nói ông không phải là sư, không tu ở bất cứ chùa nào, ông đi bộ để rèn luyện sức khỏe và làm theo lời Phật dạy.“Con là người Việt Nam đi tập học theo lời Phật dạy, không nhận tiền bạc của ai dưới bất kỳ hình thức nào, họ cho ngày một bữa vào buổi sớm rồi thì con không nhận nữa.”Con không phải là sư hay thầy gì cả, không thuộc giáo hội gì, không Nam tông hay Bắc tông…,” ông Thích Minh Tuệ nói trong một video do người dân ghi lại, đăng trên TikTok.  

    Khi có người hỏi tại sao ông không tu ở một chùa nhất định nào đó, ông Minh Tuệ trả lời: “Có người đang ở nhà yên lành thì bỏ nhà đi vào chùa. Có người vào chùa rồi thì lại bỏ chùa mà đi, không còn mê đắm gì nữa…”  

    Giáo Hội Phật Giáo Việt nam, nhân hiện tượng sư Minh Tuệ cũng đã ra thông báo xác nhận sư Minh Tuệ không phải là một tu sĩ Phật Giáo. Và Thông báo này cũng đã gặp phải ít nhiều sự chỉ trích. Ý kiến chỉ trích cho rằng: đi tu là quyền của mỗi công dân, đi tu không cần phải nằm trong giáo hội nào cả, họ cho một thí dụ cụ thể rằng là phụ nữ mà không vào trong Hội giáo Việt nam có tính phân biệt cục bộ về mặt hình thức.Cho nên cần xét lại, nếu không muốn nói là độc đoán.  

    Nhiều thức giả khác cho rằng: Chùa chiền đồ sộ được xây dựng tại nhiều tỉnh thành. Nhiều chùa có doanh thu khổng lồ, như chùa Ba Vàng của sư Thích Trúc Thái Minh thu tới 4,1 tỷ đồng/tháng tiền công đức.Với sự phát triển của mạng xã hội, nhiều chùa và sư có các kênh truyền thông riêng, quảng bá hình ảnh rất chuyên nghiệp.  

    Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng Phật giáo Việt Nam đang khủng hoảng, thậm chí suy thoái. Trong một bài viết trên Thư viện Hoa sen tháng 4/2022, TS Nguyễn Hữu Liêm viết:”Tăng sĩ thì rất đông, chùa chiền lớn và nhiều, nhưng đời sống tinh thần theo giáo lý thì nông cạn và thoái hóa.  

    “Đối với thể loại Ngã thức của đại đa số dân tộc Việt Nam rất non yếu ngày nay thì dòng đạo lý ngoại thân – tức là sự cứu độ đến từ bên ngoài – như Thiên Chúa giáo với hệ Công giáo, Hồi giáo, hay Phật Giáo Tịnh độ tông, sẽ thích hợp và đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và giúp họ trưởng thành hơn.”Khi Ngã thức còn non nớt, thiếu bản lãnh nội tại, thì cá nhân không thể là ngọn đuốc để có thể thắp sáng chính mình…”  

    TS Liêm nhận định: “Hiện trạng mở cửa tu hành quá rộng, quá dễ, để cho hầu như bất cứ ai cũng có thể trở nên tăng sĩ Phật giáo, là cả một thảm họa.”  

    Từ sự thoái hóa về mặt ngã thức một số tu sĩ trong các chùa chiền nên hiện tượng các sư tự do tu theo hướng “khắc khổ” (Hạnh Đầu Đà) không chùa chiền, không xe hơi, không đệ tử, không tiền bạc, ăn một bửa trong ngày, sau khi ăn không ăn nữa, ngủ ngoài nghĩa địa,gốc cây nơi hoang vắng trong  

    thời đại tiện nghi vật chất như ngày nay thực là một hiện tượng hiếm thấy. Hình ảnh này đã lan truyền trên mạng điện tử và từ đó các Phật tử, đã có lòng thành kính Phật Pháp xưa nay vốn đã bỏ tâm vào việc cúng dường cho các sư trong chùa cao đẹp có sự suy nghĩ và có sự so sánh. Cho nên khi thấy một ông sư đầu trần chân đất đi tu tập tìm sự giải thoát thì họ xem đây là một người tu chân chính là bậc chân tu nên đem hết lòng ngưỡng mộ đó là lẽ thường.  

    Theo trên mạng qua các YouTuber, TikToker, thì sư Minh Tuệ đi bộ hành khất thực đến đâu thì dân chúng (Phật Tử) đi theo đến đó, có người quét đường để đón bước chân sư, người khác thì lại muốn tặng vật cúng dường cho sư để được phước báo, cũng có người lạy sư từ xa đến gần, xem sư như là một “Phật sống”. Và hình ảnh này đã được lặp đi lại nhiều lần qua các nhà truyền thông “ tự phát” đã trở nên cơn bão mạng vô cùng thách thức cho mọi người.  

    III.KẾT LUẬN  

    Nói về hiện tượng sư Minh Tuệ thì nhiều người,đa số là Phật tử đã nhận định và bàn đến rồi.Có người nhận định về sự xuất hiện của sư theo tâm linh học, có người bàn về sư theo chính trị học…, nhưng phần lớn người ta nhận định về sư theo quan niệm siêu linh hơn.  

    Cũng theo truyền thông từ các youtuber và Tiktoker dường như đại đa số Phật tử xem sư Minh Tuệ là một vị “Phật Sống” hay một vị “La Hán” hườn kiếp để cứu nguy cho Đạo Phật trong thời kỳ mạt pháp trên quả địa cầu này nói chung và với Đạo Phật tại Việt Nam nói riêng.  

    Ai cũng biết khi Đức Phật nhập Niết bàn, sau đó không bao lâu Đạo Phật chia ra nhiều phái tông đồ để truyền bá đạo Phật như Nam Tông, Bắc Tông và nhiều hình thức khác, cũng với mục đích chung là truyền bá Phật Pháp, giáo lý của Đạo Phật. Cho đến nay là 2648 năm nhìn chung Đạo Phật vẫn có nhiều sư sãi tu tập nghiêm chỉnh theo giáo pháp của Đức Phật. Tuy nhiên có một số nhà sư đã thuyết giảng rằng Đạo Phật hiện trong thời kỳ mạt pháp. Chính vì thế cần có sự chấn chỉnh để trở lại thời hoằng Pháp.  

    Với thế giới, các nước Tây phương hay miền Trung Á có vị chân tu nào xuất hiện chưa để làm nhiệm vụ đó hay không?.Theo tin tức Đạo Phật thế giới thì chưa thấy vị tu sĩ nào.  

    Riêng ở Việt nam sau hơn 2600 người ta thấy hiện tượng sư Minh Tuệ một người Việt nam đi bộ hành khất thực giống như hình ảnh của Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni khi xưa. Và sự có mặt của sư Minh Tuệ ở Việt nam trong lúc này với lối tu khắc khổ chân pháp giống hình thức tu tập của đấng Thế  

    Tôn đã là một sự phản ảnh rõ nét giữa cái tu thế nào là chân chính theo giáo pháp và thế nào là cách tu của một số tu sĩ đạo Phật theo kiểu “salon” hiện nay của một số tu sĩ giáo hội.Nghĩa là tu sĩ tu tập phải có chùa lớn, điện thoại cầm tay loại tốt, đi xe hơi đắc tiền, phải có nhiều đệ tử và phật tử cúng dường thật nhiều tiền của…  

    Qua lối nhìn và so sánh trên nên các phật tử Việt nam suy nghĩ và phân biệt và khẳng định rằng sư Minh Tuệ là một vị chân tu xuất thế để cứu tinh cho đạo Phật. Họ ngưỡng mộ tôn kính. Họ tôn kính sư Minh Tuệ càng ngày càng đông cũng bởi sự khiêm tốn, vị tha của sư cùng với sự giác ngộ không tham sân si khác với một số vị sư còn có lòng sân hận ganh ghét khi thấy sư Minh Tuệ được nhiều phật tử chiêm bái, tôn kính. (quí vị có thể xem trên youtube để biết sư nào còn có lòng sân hận)  

    Tóm lại, hiện tượng sư Minh Tuệ hiện nay không còn là một hiện tượng sư Minh Tuệ nữa mà trở thành một phong trào ngưỡng kính,tôn trọng một vị sư và sẵn sàng theo chân trên bước đường tu học. Có những phật tử ở miền đất mũi Cà Mau cũng chạy ngược ra miền Bắc để tìm gặp sư Minh Tuệ .Có người hằng trăm có khi đến hằng ngàn người cùng tìm đến gặp sư để nhìn thấy sư và cùng chia sẻ sự ngưỡng kính sư trên đường tu tập bộ hành.  

    Có những phật tử trẻ chạy xe gắn máy xuyên suốt 3 ngày từ miền Tây Nam Bộ ra đến tận Quảng Bình để xin được theo chân sư để bộ hành tu tập. Cũng có nhiều vị bô lão trên 90 tuổi cũng mong mỏi để nhìn được sư khi sư đi qua khu vực mà họ cư ngụ.  

    Theo tin trên diễn đàn mạng được biết có hằng trăm người từ nước ngoài cũng đã về trong nước Việt Nam để hầu gặp sư để bày tỏ lòng tôn kính cách hành đạo của sư.  

    Bên cạnh sự ngưỡng mộ sư Minh Tuệ với số người đông đảo và theo sư như hiện nay, có nhiều người sợ rằng việc bộ hành khất thực của sư vì một lý do nào, có thể vì yếu tố an ninh trật tự sư không còn có cơ hội bộ hành tu tập nữa,mà phải dừng chân định thiền trong một hang núi nào đó để tu tập.Nếu điều ấy xảy ra thật là một vấn nạn cho sư vì trái đi ước nguyện trên đường pháp tu của sư.Thật đáng buồn cho sư và cho cả lòng tín ngưỡng của phật tử. Cho nên các Phật tử tôn kính sư cũng nên cân hắc việc này.  

    Với lòng tôn kính về hạnh tu của sư Minh Tuệ người soạn bài này cầu nguyện cho sư chân cứng đá mềm, có nhiều sức khỏe trên con đường tu tập đến giải thoát,thành chánh quả.  

    Duy Văn  

    Ngày 25 tháng 05 năm 2024.  

     

    SHARE
    Previous articleTài Tử Điện Ảnh Đức Tiến Qua Đời Vì Cơn Đột Qụy Ở Tuổi 44
    Next articleLễ Giỗ Đầu Của Mẹ Nam Hồng
    Ký giả Vân Hằng là ái nữ của cựu Nghị viên Phạm Thìn, Nghị viên Hội đồng tỉnh Phước Long nhiệm kỳ 1970-1974 thời VNCH. Thân phụ của cô là một cựu Chính Trị Gia kiêm Nhà báo mang bút hiệu Đức Phong, nguyên Ký giả viết cho Nhật báo Đại Dân Tộc do cựu Dân biểu Quốc Hội Võ Long Triều làm Chủ bút tại Saigon trước năm 1975. “ Con nhà tông không không giống lông cũng giống cánh” nên Ký giả Vân Hằng đã nối nghiệp viết báo của Cha mình, cô bắt đầu cầm bút từ tuổi Teen Ager. Quê hương Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn lịch sử mới, trang sử của sự di tản tị nạn Cộng sản. Năm 1992 Vân Hằng theo Bố Mẹ đi định cư ở Hoa Kỳ theo diện tị nạn chính trị của chương trình Humanitarian Operation. Viết trên bước đường lưu vong của đàn con dân Việt tha hương. Viết để bảo vệ Chính nghĩa Quốc gia và để giữ lấy căn cước tị nạn Cộng sản cũng như gìn vàng giữ ngọc tiếng Việt mến yêu trên xứ người nên Vân Hằng là một cây bút trẻ chuyên viết Phóng sự Cộng Đồng & Tường Thuật Event của báo Sóng Thần Online.