Home Giải Trí Đêm Vui Giỗ Tổ Với Những Nghệ Sĩ Tài Năng

Đêm Vui Giỗ Tổ Với Những Nghệ Sĩ Tài Năng

1217
0
SHARE

                       PHÓNG VIÊN VÂN HẰNG

SÓNG THẦN SAN JOSE:

Như một truyền thống tốt đẹp uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây nên hàng năm cứ vào khoảng tháng 9 là các nghệ sĩ cổ nhạc miền  Thung Lũng Hoa Vàng lại tổ chức Lễ Giỗ Tổ sân khấu để dâng hương cúng Tổ,tỏ tấm lòng thành…

Ký giả Sóng Thần-Nghệ sĩ Ngọc Đáng- Nhạc sĩ Kim Nguyên- Ca sĩ Mỹ Trinh

Trên xứ lạ quê người, câu hát quê hương những tưởng ngân lên sẽ tắt nửa chừng nhưng không, dẫu có phải lìa quê,tha phương, viễn xứ thì những làn điệu vọng cổ mênh mang cũng đành phải  lưu vong theo mệnh nước.

Vợ chồng nghệ sĩ Hoàng Dũng- Nghệ sĩ Chí Văn và phu nhân

Tối thứ bảy ngày 14 tháng 9 năm 2019  vừa qua tại nhà hàng Hankee Seafood Restaurant, nghệ sĩ Chí Văn và phu nhân Thùy Linh  đã đứng ra tổ chức Lễ Giỗ Tổ Sân Khấu ngập tràn một đêm vui pha lẫn niềm nhớ thời hoàng kim của sân khấu ở quê nhà.

Nghệ sĩ Châu Kiệt & Nghệ sĩ Cẩm Loan

Ngoài những nghệ sĩ cổ nhạc  hiện đang sinh sống tại Bắc California như Hoàng Dũng,Hoàng Giang, Hoàng Lan,Chí Sang, Cẩm Loan, Chí Văn,Mỹ Trinh, Anh Quân,Hồng Hạnh, Châu Kiệt,Diệu Bảo, Khôi Nguyên,Kim Vân,Hữu Bi, Thanh Trúc,Thanh Nguyệt…

Hai nghệ sĩ cổ nhạc đến từ miền Nam California, hai gương mặt  đã có nhiều đóng góp cho chương trình Cổ Nhạc Phương Nam của đài truyền hình SBTN, nghệ sĩ  nghệ sĩ Ngọc Đáng và nghệ sĩ Phillip Nam cũng đã đến góp mặt làm sống động chương trình.

Bốn năm rồi mới có dịp trở lại San Jose hát cúng Tổ, gặp lại Ký giả Sóng Thần Online, nghệ sĩ Phillip Nam vui ra mặt,vui nhất là anh cứ gọi Phóng viên là cô bé.

Thế mới biết khi sống với thế giới chữ nghĩa dù cầm bút đã hơn 30 năm,người viết  bỗng thấy mình nếu còn yêu nghề  thì sẽ mãi lâu già.

Nghệ sĩ Phillip Nam và Ký giả Sóng Thần Vân Hằng

Trả lời câu hỏi của Ký giả kịch trường sân khấu Anh nghĩ gì về ngày Lễ Giỗ Tổ Sân Khấu?

Nghệ sĩ Phillip Nam vui vẻ đáp:

“ Lễ giỗ Tổ truyền thống của ngành sân khấu vốn là một hoạt động mang tính lễ hội truyền thống Việt Nam, là một tập tục cúng bái có tầm vóc quan trọng tương tự như việc thờ cúng tổ tiên trong mỗi gia đình Việt Nam. Đây là dịp để các nghệ sĩ cùng thể hiện lòng biết ơn thành kính đối với Tổ nghiệp, với những vị sáng lập đã mở mang tri thức ngành nghề, gây dựng nên những bộ môn nghệ thuật ý nghĩa, tri ân những bậc tiền bối đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của sân khấu cải lương.

Đây cũng là dịp các nghệ sĩ sắm sửa lễ vật, trang trọng đến dâng hương trước bàn thờ Tổ, cầu mong sự may mắn, bình yên trong công vệc ca hay, diễn giỏi, để tiếp tục đứng trên sân khấu phục vụ khán giả xa gần.”

Là một doanh nhân thành đạt và là phu quân của nữ  nghệ sĩ cổ nhạc Cẩm Thu, một nghệ sĩ cải lương nổi tiếng, con nhà  nòi,nghệ sĩ Phillip Nam dù đến với sân khấu có hơi muộn màng nhưng không phải vì thế mà anh xem chuyện ca hát chỉ là mua vui…

Anh trải lòng tâm sự với phóng viên khi được hỏi  nghệ thuật cải lương sống trong anh như thế nào?

“ Nghệ thuật cải lương luôn ẩn giấu tâm tình của người nghệ sĩ, chứa đựng cả nghĩa khí và tinh thần của người miền Nam giản dị, phóng khoáng, đa cảm, đa sầu…

Những lời ca tiếng hát không chỉ là lối thoát cho những nỗi niềm tâm sự mà còn nuôi dưỡng lòng thiện trong con người.

Vân Hằng  biết không kể chuyện đạo lý thì khô khan nhưng hát cải lương để kể một câu chuyện có tình tiết để giáo dục về nghĩa nhân, chữ hiếu, thủy chung… thì không cần đề cao đạo, mà cái đạo sẽ tự nhiên đi vào lòng người thật nhẹ nhàng nhưng cũng ngấm sâu vô cùng…”

Nếu như nghệ sĩ Phillip Nam liếng thoắng kể chuyện nghề chuyện đời khi gặp Phóng viên nhiều bao nhiêu thì nghệ sĩ Chí Văn- chủ nhân của buổi tiệc lại kiệm lời bấy nhiêu. Anh cứ lặng lẽ âm thầm lo lắng, chăm chút, hỗ trợ  cho các anh chị em nghệ sĩ biểu diễn đến cả quên ăn uống.

Bà xã Thùy Linh cũng hỗ trợ chồng quán xuyến chu đáo cho buổi Lễ Giỗ Tổ do anh chị đứng mũi chịu xào được thành công tốt đẹp  nên cũng tất bật với công việc.

Nhạc sĩ Hoàng Dân đến từ Houston Texas với ngón đàn lục huyền cầm, nhạc sĩ Kim Nguyên đàn vĩ cầm và nhạc sĩ keyboard Anh Dũng đã đàn rất hay, rất điêu luyện góp phần nâng tiếng hát của các nghệ sĩ  thêm hay, thêm hòa quyện với cung đàn.

Nghệ sĩ Phillip Nam- Ký giả Vân Hằng- Vợ chồng nghệ sĩ Khắc Minh

Nghệ sĩ Khắc Minh học cổ nhạc ở miền sông nước quê hương Bến Tre nên anh vẫn nhớ mãi hình ảnh ông Thầy mù lòa nhưng có tài dạy đàn hát cổ nhạc. Hát dâng cúng Tổ năm nay, nghệ sĩ Khắc Minh  trình bày bài tân cổ  Tâm Sự Người Mù do chính anh sáng tác khiến người nghe xúc động…

Nghệ sĩ Ngọc Đáng và Khôi Nguyên

Nghệ sĩ Chí Sang, nghệ sĩ Ngọc Đáng và nghệ sĩ Hoàng Dũng đã hát mở đầu chương trình với bài Tự Tình Dạ Cổ Hoài Lang do chính nghệ sĩ Hoàng Dũng sáng tác.

Lời ca thiết tha sâu lắng bên ba chất giọng ngọt lịm, ấm áp, khiến cả khán phòng lặng im chỉ để đắm chìm thưởng thức  tiếng hát lời ca khi xem ba nghệ sĩ tài năng thể hiện. Để  rồi khi câu ca vừa dứt thì khán giả bỗng dưng vỡ òa cảm xúc, thốt lên hay quá, xuất sắc quá!

Tiếng vỗ tay giòn giã không ngớt vang lên, đêm hát cúng Tổ mà nên nghệ sĩ nào  cũng hát hết ga và hát  cháy hết mình để dâng lên  bàn thờ Tổ nghiệp.

Nhiều trích đoạn cải lương  như Lan và Điệp của soạn giả Loan Thảo, Thoại Khanh Châu Tuấn của cố soạn giả Viễn Châu  đã được các  nghệ sĩ Hoàng Giang, Thanh Trúc, Diệu Bảo, Khôi Nguyên  đồng điệu, kết nối mang lại sức cuốn hút cho đêm diễn…

Nghệ sĩ Chí Văn đã hát rất hay trích đoạn Đêm Lạnh Chùa Hoang của cố soạn giả Yên Lang. Vở cải lương một thời đã làm mưa làm gió trên sân khấu Kim Chung của Sàigòn một thời hoa lệ.

Nghệ sĩ Khôi Nguyên và nghệ sĩ  Ngọc Đáng hát trích đoạn Tự Đức Dâng Roi của soạn giả Hoàng Song Việt cũng làm lay động lòng người.

Trích đoạn Chung Vô Diệm do ba nghệ sĩ Hoàng Lan, Châu Kiệt, Cẩm Loan đồng trình diễn  thu hút ánh nhìn của  khán giả  với những phục trang đẹp mắt với áo, mão kim tuyến lấp lánh kiêu sa đúng chất cải lương.

Nghệ sĩ Phillip Nam hát tân cổ giao duyên Sầu Vương Ý Nhạc của cố soạn giả Viễn Châu. Anh bước xuống sân khấu, hát giao lưu thật gần khán giả tạo cho buổi biểu diễn thêm nhiều cung bậc cảm xúc nghệ sĩ và khán giả luôn cần có nhau  như cá cần có nước vậy.

Không chỉ hát hay, anh và nghệ sĩ Chí Sang còn làm Emcee rất hóm hỉnh, hài hước và nói chuyện dzí dzỏm rất vui nữa.

Nhạc sĩ Hoàng Dân- Nhạc sĩ Kim Nguyên

Sông núi ngậm ngùi hoa lá bay

Miền Nam vừa mất một nhân tài

Nghìn thu thanh sử còn lưu dấu

Sân khấu nhớ hoài tên Viễn Châu

Nghệ sĩ Hoàng Dũng

Nghệ sĩ Hoàng Dũng  đã thể hiện bài tân cổ Nhớ Về Soạn Giả Viễn Châu do chính anh sáng tác, như một lời chia tay vĩnh biệt cố soạn giả tài hoa khi anh  hay tin trái tim  cha đẻ bản Tân Cổ Giao Duyên  ngừng đập.

Quả thật bài hát này là điểm nhấn hay nhất của chương trình.

Cảm động nhất là tiết mục biểu diễn của em Huỳnh Duyên một khuôn mặt còn rất trẻ  lần đầu tiên hát vọng cổ,em đến từ thủ phủ Sacramento, trong tà áo bà ba xanh, có mặt tại nhà hàng Hankee từ 12 giờ trưa và chờ đợi đến 9 giờ đêm mới được lên sân khấu. Bản vọng cổ Lá Trầu Xanh của cố soạn giả Viễn Châu do Huỳnh Duyên biểu diễn khiến ai nghe xong cũng gật đầu hài lòng. Vì như thế cải lương sẽ không mai một khi  thế hệ trẻ như các em còn yêu mến câu hát quê hương.

Có mặt trong khán phòng,Ký giả Duy Văn-Chủ nhiệm kiêm chủ bút Tuần báo Đời Mới Media đã tặng em Huỳnh Duyên tờ báo Đời Mới còn thơm mùi mực in mới phát hành  mà nhà báo Duy Văn đã chọn đăng bài hát này trong trang Cổ Nhạc Miền Nam do anh chọn đăng và chủ trương thực hiện trang này.

Nghệ sĩ Mỹ Trinh với Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè của cố nhạc sĩ Bắc Sơn, ca sĩ Kim Vân với nhạc phẩm Mời Anh Về Thăm Quê Em, ca sĩ Anh Quân với nhạc phẩm Về Đâu Mái Tóc Người Xưa, ca sĩ Hồng Hạnh, nghệ sĩ Chí Sang… đã làm nóng sân khấu với những bản tình ca ngọt ngào giai điệu quê hương…

Đêm đã khuya mà tiếng đàn, tiếng hát vẫn còn vang mãi, dường như không ai muốn chia tay ra về.

Nhưng rồi cũng đành phải lưu luyến chia tay để còn hẹn hò gặp lại nhau ở lần giỗ Tổ năm sau nữa.

Xin cảm ơn nghệ sĩ Chí Văn và Thùy Linh đã nặng tình với câu hát quê hương mà năm nào cũng bắc một nhịp cầu, nối những bờ vui cho những trái tim yêu cổ nhạc được hát vang mãi câu vọng cổ thướt tha.

PHÓNG VIÊN VÂN HẰNG

vanhangthegioinghesi@hotmail.com

 

 

SHARE
Previous articleThiếu Nhi San Jose Đón Tết Trung Thu Cộng Đồng
Next articleTiệc Mừng 25 Năm Văn Học Cội Nguồn & 15 Năm Tạp Chí Nguồn
Ký giả Vân Hằng là ái nữ của cựu Nghị viên Phạm Thìn, Nghị viên Hội đồng tỉnh Phước Long nhiệm kỳ 1970-1974 thời VNCH. Thân phụ của cô là một cựu Chính Trị Gia kiêm Nhà báo mang bút hiệu Đức Phong, nguyên Ký giả viết cho Nhật báo Đại Dân Tộc do cựu Dân biểu Quốc Hội Võ Long Triều làm Chủ bút tại Saigon trước năm 1975. “ Con nhà tông không không giống lông cũng giống cánh” nên Ký giả Vân Hằng đã nối nghiệp viết báo của Cha mình, cô bắt đầu cầm bút từ tuổi Teen Ager. Quê hương Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn lịch sử mới, trang sử của sự di tản tị nạn Cộng sản. Năm 1992 Vân Hằng theo Bố Mẹ đi định cư ở Hoa Kỳ theo diện tị nạn chính trị của chương trình Humanitarian Operation. Viết trên bước đường lưu vong của đàn con dân Việt tha hương. Viết để bảo vệ Chính nghĩa Quốc gia và để giữ lấy căn cước tị nạn Cộng sản cũng như gìn vàng giữ ngọc tiếng Việt mến yêu trên xứ người nên Vân Hằng là một cây bút trẻ chuyên viết Phóng sự Cộng Đồng & Tường Thuật Event của báo Sóng Thần Online.