Thị Trấn Âm Nhạc San Jose Chào Đón Ca Sĩ Kim Loan

    4250
    0
    SHARE

      

    Ca sĩ Kim Loan- Ký giả Sóng Thần- Nhạc sĩ Tuấn Miêu
    Ca sĩ Kim Loan- Ký giả Vân Hằng

        

    MC Kimberlee Vương & Ký giả Vân Hằng

     

    Ca sĩ Kim Loan- Ký giả Vân Hằng- Ca nhạc sĩ đấu tranh Bảo Tố

     

    Ca sĩ Kim Loan & Ký giả Sóng Thần

    PHÓNG VIÊN VÂN HẰNG

    SÓNG THẦN SAN JOSE-Những ngày hè oi bức và nắng nóng miền Thung Lũng Hoa Vàng với nhiệt độ cao có khi lên đến 90 độ F, ấy thế mà sức nóng của thời tiết không làm giảm sức hút của đông đảo khán giả yêu nhạc, thích ca hát đến với sân khấu nhỏ của nhà hàng HanKee Seafood Restaurant.

    Toạ lạc tại số 2017 Tully Rd và là nơi dành cho người yêu văn nghệ đến đây hát cho nhau nghe hàng tuần vào các tối  thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật, mở cửa từ 7 giờ tối đến 12 giờ khuya.

    Người đứng mũi chịu xào từ lúc Câu Lạc Bộ Hát Cho Nhau Nghe khai trương vào tháng 5 năm 2019 là một khuôn mặt MC khả ái quen thuộc của Cộng đồng- nữ MC duyên dáng Kimberlee Vương.

    Quả thật bằng nghị lực và ý chí kiên cường của một người phụ nữ bé nhỏ, MC Kimberlee Vương đã vượt qua nhiều chông gai, khó khăn, thử thách thậm chí có khi gặp phải nhiều áp lực công việc để khẳng định tài quán xuyến và nỗi đam mê nghề của chị dành hết cho sân khấu về khuya.

    MC Kimberlee Vương & Nữ ca sĩ Kim Loan

    Nhiều chương trình văn nghệ  hay được thực hiện có chủ đề khá thú vị như Mừng Ngày Hiền Mẫu, Mừng Ngày Lễ Cha, Mừng Thượng Thọ, Mừng Sinh Nhật đã được tổ chức thường xuyên trong suốt thời gian qua mang đến nhiều niềm vui cho người thưởng ngoạn.

    Tối thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật tháng tám tuần qua, sân khấu HanKee Seafood Restaurant  hân hoan chào đón nữ ca sĩ tài danh một thời của Saigon Hoa Lệ- ca sĩ Kim Loan đến từ Tây Đức để  hát cho  Californians nghe.

    Trong tà áo dài thướt tha với mái tóc dài đen huyền óng ả, những nhạc phẩm hay tạo nên tên tuổi của nữ ca sĩ Kim Loan một thời như Căn Nhà Ngoại Ô của cố nhạc sĩ Anh Bằng hay Một Lần Ghé Thăm tức Gõ Cửa của ca nhạc sĩ Mạnh Quỳnh trước năm 1975 ( không phải ca sĩ Mạnh Quỳnh của trung tâm Thúy Nga- người đã lấy nghệ danh trùng lắp) đã được Kim Loan hát vang trên sân khấu nhỏ nhưng tình người không nhỏ của sân khấu HanKee Sea Food Restaurant.

    Khán giả ngồi chật ních cả khán phòng vui vẻ yên lặng lắng nghe nữ ca sĩ hát.

    Từ nơi Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ hôm nay,  những căn nhà chọc trời cao tầng thì có nhiều chứ những căn nhà nho nhỏ như căn nhà ngoại ô thời chiến tranh khói lửa trên quê hương Việt Nam tang tóc thê lương thì ít có.

    Nhưng tiếng hát  tha thiết đến mủi lòng của Kim Loan như khơi lại nhiều kỷ niệm vui buồn của một thời chinh chiến  mà các cựu Quân Nhân trong trang phục lính ngồi dưới hàng ghế khán giả  cũng bùi ngùi xúc động…

    Ở vào tuổi thất thập cổ lai hy, trước khi lên sân khấu phải uống nhiều loại thuốc, thậm chí chị còn phải nhờ nhà báo Duy Văn- Chủ nhiệm kiêm Chủ bút tuần báo Đời Mới Media mở dùm bao bì chứa thuốc để lấy thuốc ra uống, ấy thế mà khi bước lên sân khấu cất tiếng hát thì chị vẫn hát máu lửa như tuổi đôi mươi một thuở yêu nghề.

    Nhiều bản nhạc vàng nữ ca sĩ hát cho khán giả nghe như  Bài Không Tên Cuối Cùng của nhạc sĩ Vũ Thành An, Đêm Đông của cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông,Một Chuyến Bay Đêm của cố nhạc sĩ Song Ngọc và Hoài Linh, Hát Cho Người Nằm Xuống của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – một nhạc phẩm ông viết tặng cố Chuẩn tướng Lưu Kim Cương nguyên là một sĩ quan cao cấp thuộc quân chủng Không Quân  của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

    Tháng 5 năm 1968, khi đang là Đại tá Tư lệnh Không đoàn 33 Chiến thuật kiêm Chỉ huy trưởng Yếu khu Quân sự Tân Sơn Nhất, ông bị tử trận trong trận Mậu Thân.

    “Anh nằm xuống như một lần vào viễn du

    Đứa con xa đã tìm về nhà

    Đất hoang vu khép lại hẹn hò

    Người thành phố, trong một ngày đã nhắc tên

    Những sớm mai, lửa đạn

    Những máu xương chập chùng

    Xin cho một người vừa nằm xuống

    thấy bóng thiên đường cuối trời thênh thang”

    Giọng trầm khàn đục với những biên đoạn, trường đoạn xử lý những  nốt nhạc cao, thấp qua cách hát luyến láy ngọt ngào tình cảm hòa quyện vào  phong cách hát có diễn xuất, có kịch tính  trong từng câu hát, Kim Loan đã tải được giai điệu đẹp đến cho  tâm hồn người nghe.

    Trả lời câu hỏi của Ký giả kịch trường sân khấu  cảm nghĩ của chị thế nào về khán giả San Jose ?

    Đôi mắt chị sáng rực lên và tươi cười thân thiện đáp: “ Trước kia Loan thường có nhiều dịp đến San Jose hát ở vũ trường lắm nhưng từ lâu rồi ít có dịp trở lại vì lý do phòng trà ca nhạc ở đây giờ cũng không còn nhiều.

    Hôm nay hân hạnh được trở lại qua lời mời của MC Kimberlee Vương, Loan vui lắm và thấy khán giả San Jose dễ thương, đáng yêu đáng quý vô cùng.

    Từng câu hỏi, tiếng chào đến những cái bắt tay chân tình dành cho Kim  Loan khiến Loan xúc động và thấy ấm áp tình đồng hương lắm.”

    Ca nhạc sĩ đấu tranh Bảo Tố người cũng có mặt bên dưới hàng ghế khán giả đêm đó kể cho phóng viên Sóng Thần Online nghe khi còn là Trưởng Ban Văn Nghệ Trung Ương anh  đã từng đưa các  ca sĩ trẻ thời chiến tranh khói lửa trong đó có ca sĩ  Kim Loan đi hát ở các tiền đồn xa xôi hẻo lánh…

    Thoắt một cái đã  gần nửa thế kỷ trôi qua rồi còn gì.

    Vui nhất là  ca sĩ Kim Loan nhận diện ra được anh chàng sinh viên học cùng Thầy với chị một thời tuổi trẻ ở Đại Học Văn Khoa Saigon  là nhà báo Duy Văn của thành phố  San Jose chúng ta.

    Ô kìa cứ xem thế hệ của các bậc tiền bối, tíu tít chuyện trò nhắc lại chuyện xưa vui như Tết khi gặp lại nhau mà cây bút thuộc thế hệ hậu sinh như  người viết cũng thấy vui lây và  học hỏi được nhiều điều hay.

    Nhân dịp này ca nhạc sĩ kiêm Ký giả Duy Văn cũng góp vui nhạc phẩm Trọn Đời Thương Nhau,sáng tác của Tuấn Hải và ca nhạc sĩ đấu tranh Bảo Tố.

    Ca sĩ Kim Loan- Ca Nhạc Sĩ Kiêm Ký giả Duy Văn

    Đây là một trong những nhạc phẩm Bolero trữ tình tác giả viết  năm 1966 ca ngợi tình yêu đẹp của những đôi lứa yêu nhau nhưng  luôn biết  đặt nợ nước trước tình nhà.

    Chiều dừng quân anh ngắm mây lưng đồi

    Mơ về em giữa muôn hoa đua cười

    Thương nhớ vơi đầy gửi tình theo gió theo mây

    Cho dù cách biệt tình mình vẫn không hề phai

    Anh chốn biên thùy đường hành quân gian nguy

    Gió sương không nề vì tình dâng quê hương

    Dù xa cách nhau lòng không đớn đau

    Khi quê hương đang chiến chinh dâng tràn lan…

    Có một kỷ niệm khó quên trong đời mà ít ai biết được là Ký giả Duy Văn và ca nhạc sĩ đấu tranh Bảo Tố đã từng ở chung trại cải tạo 5 năm dài trong chốn lao tù Cộng sản sau khi Saigon thất thủ.

    Từng đôi, từng đôi  dìu nhau ra sàn nhảy theo điệu nhạc du dương và tiếng hát trầm ấm tình cảm  của ca nhạc sĩ Duy Văn đã  khuấy động sân khấu HanKee tăng thêm phần  sinh động.

    Cũng không quên kể đến ngón đàn điêu luyện của nhạc sĩ Tuấn Miêu, cháu của nam danh ca Chế Linh,người đã góp mặt với Câu Lạc Bộ Hát Cho Nhau Nghe từ những buổi ban đầu.

    Nữ ca sĩ Kim Loan cũng bước ra sàn nhảy hòa mình chung cùng với khán giả thương mến của mình.

    Ngày mai đây trên chuyến bay rời xa Thị Trấn âm nhạc miền Thung Lũng Hoa Vàng nơi vốn được mệnh danh là Thị Trấn Tình Thương, dẫu biết rằng đời ca sĩ đến rồi đi là chuyện thường tình nhưng chắc chắn rằng, nữ ca sĩ Kim Loan sẽ mang theo nhiều kỷ  niệm khó quên ở sân khấu HanKee nơi  khán giả San Jose đã dành trọn tình thương  cho chị.

    Chia tay tạm biệt, San Jose vẫn mong  đón nữ ca sĩ Kim Loan  trở lại hát cho đồng hương mình.

    PHÓNG VIÊN VÂN HẰNG

    vanhangthegioinghesi@hotmail.com

     

     

     

     

     

     

    SHARE
    Previous articleBa Con Rận Kiện Nhau
    Next articleHọp Báo Tiến Trình Tranh Đấu Của Công Ty California Waste Solution
    Ký giả Vân Hằng là ái nữ của cựu Nghị viên Phạm Thìn, Nghị viên Hội đồng tỉnh Phước Long nhiệm kỳ 1970-1974 thời VNCH. Thân phụ của cô là một cựu Chính Trị Gia kiêm Nhà báo mang bút hiệu Đức Phong, nguyên Ký giả viết cho Nhật báo Đại Dân Tộc do cựu Dân biểu Quốc Hội Võ Long Triều làm Chủ bút tại Saigon trước năm 1975. “ Con nhà tông không không giống lông cũng giống cánh” nên Ký giả Vân Hằng đã nối nghiệp viết báo của Cha mình, cô bắt đầu cầm bút từ tuổi Teen Ager. Quê hương Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn lịch sử mới, trang sử của sự di tản tị nạn Cộng sản. Năm 1992 Vân Hằng theo Bố Mẹ đi định cư ở Hoa Kỳ theo diện tị nạn chính trị của chương trình Humanitarian Operation. Viết trên bước đường lưu vong của đàn con dân Việt tha hương. Viết để bảo vệ Chính nghĩa Quốc gia và để giữ lấy căn cước tị nạn Cộng sản cũng như gìn vàng giữ ngọc tiếng Việt mến yêu trên xứ người nên Vân Hằng là một cây bút trẻ chuyên viết Phóng sự Cộng Đồng & Tường Thuật Event của báo Sóng Thần Online.