Home Giải Trí Trò Chuyện Đầu Xuân Với Nữ Ca Sĩ Bạch Kim Yến

Trò Chuyện Đầu Xuân Với Nữ Ca Sĩ Bạch Kim Yến

2301
0
SHARE
Ký giả Vân Hằng-Ca sĩ Mỹ Trinh-Nghệ sĩ Phượng Mai-Giáo Sư Ngọc Dung- Ca sĩ Bạch Kim Yến
Ký giả Vân Hằng-Ca sĩ Mỹ Trinh-Nghệ sĩ Phượng Mai-Giáo Sư Ngọc Dung- Ca sĩ Bạch Kim Yến

                     PHÓNG VIÊN VÂN HẰNG

SÓNG THẦN SAN JOSE-CALIFORNIA

Là ký giả kịch trường sân khấu chuyên viết về những nghệ sĩ ngôi sao.

Cách đây vài năm  trong một dịp đến dự sinh nhật của trang web cailuongvietnam.com, khi được Ban Tổ Chức mời lên cắt bánh sinh nhật, người viết tình cờ quen và biết đến ca sĩ địa phương  Bạch Kim Yến tại event này.

Nữ Ca Sĩ Bạch Kim Yến
Nữ Ca Sĩ Bạch Kim Yến

Bẵng đi một thời gian khá lâu không gặp,thế rồi trong một lần đi viết báo ở event  Giỗ Tổ Sân Khấu  tháng 10 năm 2018 vừa qua, tình cờ tôi lại  gặp cô Bạch Kim Yến và được nghe cô hát trích đoạn cải lương  Nợ Nước Trước Tình Nhà.

Cô vào vai một bà mẹ hiền có con trai là Mã Chiến Sơn trên đường ra biên cương đánh đuổi giặc thù, bảo vệ sơn hà,giữ yên bờ cõi, bà mẹ  chỉ mong con trai mình ra sa trường báo đền ơn nước, khi nào thắng trận rồi hãy trở về chúc thọ mẹ với chiến công rạng rỡ oai hùng, bà muốn quà của con trai tặng  trong ngày chúc thọ mình là chiến thắng hiển vinh  chứ  không phải mang về gấm nhung vàng bạc.

Quả thật giọng hát ngọt ngào tình cảm, chất giọng ấm áp lúc cương quyết, lúc yêu thương vỗ về của bà  mẹ thương con nhưng vẫn đặt nợ nước trước tình nhà.

Dẫu là một cây bút không đa sầu đa cảm tôi vẫn nghe mềm lòng khi nghe điệu  Nam Ai rồi nghe qua  những làn điệu vọng cổ  mênh mang và tôi ngạc nhiên khi thưởng thức sự ca diễn xuất thần của cô Bạch Kim Yến.

Tháng 12 năm 2018, khi đến tham dự buổi tiệc Hội Ngộ Thường Niên Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa Bắc Cali tôi bất ngờ khi nghe cô Bạch Kim Yến trình bày nhạc phẩm Kiếp Cầm Ca của cố soạn giả Huỳnh Anh.

Không bi thương ủy mị khi hát  trên sân khấu cải lương, lả lướt  theo vũ điệu Tango trên sàn diễn tân nhạc, phong cách biểu diễn của cô  hoàn toàn khác hẳn, không để lại sự lai căng, ảnh hưởng nào của cổ nhạc, cái điều rất khó mà không phải ai hát tân nhạc lẫn cổ nhạc đều có thể làm được.

Vâng, một lần tình cờ gặp rồi sẽ quên nhưng nhiều lần tình cờ thì làm sao tôi không nhớ?

Những ngày đầu xuân, đi tìm những khuôn mặt  nghệ sĩ mới để giới thiệu với bạn đọc, bỗng dưng người viết  nghĩ ngay đến  một tiếng hát đẹp luôn đến với Cộng đồng  Người Việt Quốc Gia Bắc Cali hoặc trong những buổi văn nghệ của đoàn thể Quốc Gia  bằng  tinh thần phục vụ, đóng góp và cống hiến cho dù sân khấu nhỏ hay sân khấu lớn hoặc hát  gây quỹ từ thiện cho Chùa,cô luôn hát với tất cả tâm tình.

Nhấc phone lên tôi gọi số của cô ca sĩ có mái tóc bạch kim rất đẹp và có cái tên nghệ sĩ cũng rất hay.

Đầu giây điện thoại bên kia, ca sĩ Bạch Kim Yến vui vẻ trả lời những câu hỏi phỏng vấn của Ký giả Sóng Thần.

Xin chào cô Bạch Kim Yến, cô có thể cho đọc giả Sóng Thần Online biết cô đam mê ca hát từ thuở nào ?

Nhạc phẩm đầu tiên cô hát trước khán giả  là nhạc phẩm tên gì ?

Bạch Kim Yến thân mến chào đọc giả thân thương  của Sóng Thần Online và xin chào nữ Ký giả khả ái Vân Hằng.

Bạch Kim Yến đam mê ca hát từ thuở nhỏ khi theo học trung học ở Sóc Trăng. Theo học đàn piano và tham gia ca hát những chương trình văn nghệ trong học đường.

Tuổi thơ lưu lạc theo gia đình sống ở nhiều nơi khác nhau từ Sóc Trăng đến Cần Thơ, vì hoàn cảnh gia đình  nên Bạch Kim Yến không theo đuổi  trọn vẹn được ước mơ ca hát của mình.

Mãi cho đến năm 1979 khi xuống tàu ra đi, vượt biển tìm tự do và sang định cư ở Hoa Kỳ thì niềm đam mê đó lại bừng lên cháy bỏng trong lòng Bạch Kim Yến.

Nhưng ngặt nỗi những ngày đầu tha phương lập nghiệp nơi xứ người, đời sống khó khăn phải làm lại từ đầu nên Bạch Kim Yến phải lo bươn chải vun đắp cho đời sống mới. Không có thời gian đàn ca hát xướng.

Cứ nghĩ mọi thứ sẽ bị quên lãng vì bận rộn tìm kế mưu sinh nhưng rồi tình cờ Bạch Kim Yến được một người bạn rủ rê đi học đàn tranh, một nhạc cụ truyền thống dân tộc để nhớ về quê hương.

Khi đến lớp học đàn tranh của giáo sư Ngọc Dung, Bạch Kim Yến có cơ hội gặp gỡ và được nghe lại những câu vọng cổ khiến Bạch Kim Yến mê quá nên vừa học đàn tranh và vừa học hát cải lương luôn.

Sau đó Bạch Kim Yến tìm thầy học thanh  nhạc nữa.

Khi đến lớp học Nhạc thử giọng, thầy Hoàng chọn cho Bạch Kim Yến bài hát đầu tiên để học là bài Ai Ra Xứ Huế  của cố nhạc sĩ Duy Khánh.

Nhạc phẩm này cũng là nhạc phẩm đầu tiên Bạch Kim Yến hát trước đông đảo khán giả trong chương trình gây quỹ từ thiện tại miền Thung Lũng Hoa Vàng và may mắn được khán giả  yêu thương đón nhận và trao tặng cho Bạch Kim Yến những tràng pháo  tay.

Không hiểu sao dù không là người Huế nhưng thầy Hoàng luôn thích chọn những nhạc phẩm về Huế cho Bạch Kim Yến hát.

Nhạc phẩm thứ hai thầy Hoàng chọn cho Bạch Kim Yến hát là  nhạc phẩm  Mưa Trên Xứ Huế của cố nhạc sĩ Minh Kỳ, phổ thơ của Tôn Nữ Thụy Khương.

Bạch Kim Yến hiểu rằng là một ca sĩ thì phải hát được nhiều thể loại nhạc khác nhau nên thầy Hoàng đã tận tình chỉ dạy thêm cho Bạch Kim Yến.

Luôn xuất hiện trên sân khấu trước công chúng trong tà áo dài truyền thống,cô nghĩ gì về khán giả của mình ?

Khi đến lớp thanh nhạc luyện giọng và học hát hay  mỗi khi tập dượt với ban nhạc, thú thật có đôi lúc Bạch Kim Yến  có cảm giác lo sợ, sợ mình hát trật nhịp hay hát rớt nhịp sẽ bị Thầy la nhưng sao  lạ quá khi đứng trước công chúng cất tiếng hát, tôi luôn có cảm giác ấm áp hơn, cứ như là có ngọn lửa nào đó được  hun đúc lên để tiếp thêm cho tôi sức mạnh.

Vâng, không ai khác hơn chính khán giả mộ điệu và những tràng pháo tay của họ đã là phép nhiệm màu làm tan biến đi hết những nỗi lo, sự sợ hãi trong tôi.

Mùa xuân tha phương đang đến gần, lại một mùa xuân lưu vong nữa của Người Việt viễn xứ hơn 40 năm,cô có  thấy niềm vui và sự khác nhau gì ở xuân xưa và xuân nay ?

Cảm ơn nữ Ký giả xinh đẹp Vân Hằng đã đặt câu hỏi chạm đến trái tim Người Việt tha phương nói chung và bản thân Bạch Kim Yến nói riêng.

Vâng, những ngày tháng đen tối phải tìm kế mưu sinh trên đất lạ quê người đã qua đi.

Ngày ấy mới đến Hoa Kỳ,Bạch Kim Yến làm việc trong hãng điện tử của Mỹ vì San Jose chúng ta là Thung Lũng điện tử vùng Silicon Valley nên xuân về vẫn phải đi làm việc quần quật, đâu biết và đâu hay Nàng Xuân đã về rồi ?

Đến khi Bạch Kim Yến đi chợ Việt Nam thì nhìn thấy trong chợ bán bánh mứt Tết, bán bao lì xì thì cảm giác Xuân chỉ đến như thế thôi.

Sau khi rời hãng xưởng, Bạch Kim Yến mở business buôn bán quần áo. Mùa xuân đến thì lúc nào cũng bận rộn buôn bán, không có thời gian du xuân cũng không có thời gian nghỉ ngơi.

Thời gian sau này, Cộng đồng Việt  Nam phát triển và lớn mạnh thì thấy vui hơn vì Xuân bây giờ San Jose chúng ta có Hội Hoa Xuân, Hội Chợ Tết, có múa lân, đốt pháo vang rền khắp các khu thương mại Việt Nam, có bánh chưng, bánh tét, mứt tết, nhiều chương trình văn nghệ đón mừng xuân…

Vui hơn nữa là có nhiều chương trình đặc biệt chiếu Tết trên các đài truyền hình Việt ngữ, có báo xuân Việt ngữ để đọc, ôi thích ơi là thích vì không còn nữa cảm giác thiếu thốn như trước đây…

Xin cảm ơn cô và chúc cô đón Xuân Kỷ Hợi an khang, thịnh vượng, sức khỏe dồi dào.

Cảm ơn nữ Ký giả Vân Hằng đã tạo cơ hội cho Bạch Kim Yến có được cuộc trò chuyện thú vị quá.

Nhân tiện qua trang báo này,  cho phép Bạch Kim Yến gởi lời chúc xuân đến quý đồng  hương, quý khán giả, quý Hội Đoàn, Đoàn thể Quốc Gia và nhất là các cựu quân nhân trong Khu Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị nơi Bạch Kim  Yến thường đến sinh hoạt văn nghệ trong những dịp Lễ Hội, Lễ giỗ cựu Tổng Thống Ngô Đình Diệm, cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu…

Kính chúc tất cả một mùa xuân an lạc, thanh bình…

PHÓNG VIÊN VÂN HẰNG

vanhangthegioinghesi@hotmail.com

SHARE
Previous articleRa mắt Ban Chấp Hành Hội Tết Fairgrounds Xuân Kỷ Hợi 2019
Next article
Ký giả Vân Hằng là ái nữ của cựu Nghị viên Phạm Thìn, Nghị viên Hội đồng tỉnh Phước Long nhiệm kỳ 1970-1974 thời VNCH. Thân phụ của cô là một cựu Chính Trị Gia kiêm Nhà báo mang bút hiệu Đức Phong, nguyên Ký giả viết cho Nhật báo Đại Dân Tộc do cựu Dân biểu Quốc Hội Võ Long Triều làm Chủ bút tại Saigon trước năm 1975. “ Con nhà tông không không giống lông cũng giống cánh” nên Ký giả Vân Hằng đã nối nghiệp viết báo của Cha mình, cô bắt đầu cầm bút từ tuổi Teen Ager. Quê hương Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn lịch sử mới, trang sử của sự di tản tị nạn Cộng sản. Năm 1992 Vân Hằng theo Bố Mẹ đi định cư ở Hoa Kỳ theo diện tị nạn chính trị của chương trình Humanitarian Operation. Viết trên bước đường lưu vong của đàn con dân Việt tha hương. Viết để bảo vệ Chính nghĩa Quốc gia và để giữ lấy căn cước tị nạn Cộng sản cũng như gìn vàng giữ ngọc tiếng Việt mến yêu trên xứ người nên Vân Hằng là một cây bút trẻ chuyên viết Phóng sự Cộng Đồng & Tường Thuật Event của báo Sóng Thần Online.